Quyển sách “Ăn uống và dinh dưỡng trong gia đình hiện đại” của tác giả Nguyễn Văn Đức và Ngô Quang Thái sẽ mang đến cho bạn đọc những tri thức cơ bản về dinh dưỡng và ăn uống. Đọc sách, bạn đọc sẽ biết cách phối hợp thực phẩm trong chế biến món ăn hàng ngày, như: Thịt bò xào nấu với khoai tây: Giá trị dinh dưỡng của thịt bò cao và có tác dụng kiện tì vị. Chất xơ trong thịt bò thô, có ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, nhưng khi xào nấu thịt bò với khoai tây không những mùi vị món ăn ngon hấp dẫn, mà khoai tây lại có chứa folate (vitamin M) có tác dụng bảo vệ tốt niên mạc dạ dày; Hành tây xào hoặc nấu với trứng gà, không những có thể cung cấp cho cơ thể các thành phần dinh dưỡng phong phú như các vitamin B1, B2, C, các chất canxi, sắt, phốt pho, chất xơ, đặc biệt là vitamin P có thể duy trì công năng bình thường của huyết quản mao dẫn, có tác dụng làm mạnh huyết quản, mà còn chứa các thành phần hoạt tính hữu hiệu có thể hạ thấp cholesterol có trong trứng gà, tiêu trừ tác dụng phụ đối với tâm huyết quản trong cơ thể; và nhiều món ăn kết hợp các loại thực phẩm phù hợp mang đến những món ăn ngon, bổ dưỡng, tiêu trừ bệnh tật và tốt sức khỏe.
Một kiến thức quan trọng mà tác giả của quyển sách muốn chia sẻ đến bạn đọc là học thuyết của Trung y học “Thiên nhân hợp nhất”, có nghĩa là bồi dưỡng cơ thể người cần phải tương thích với bốn mùa. Mùa xuân, cơ thể dễ phát sinh các bệnh do phong hàn gây nên. Vì vậy, chúng ta cần ăn thức ăn loại lá có tác dụng nhẹ, nổi, thăng tán, có thể trừ phong, thanh nhiệt như rau cần, rau muống, rau thơm… Mùa hạ, cơ thể con người dễ phát sinh các bệnh do nhiệt gây nên như bệnh sốt nhiệt, rôm sẩy, ghẻ lỡ, bị sốt cao. Các loại lá, loại hoa và một số loại quả dưa, quả bầu bí, mướp đều có công hiệu giảm nhiệt, cần được chọn khi chế biến. Mùa thu, cơ thể người dễ bị các bệnh như ho, sưng phổi. Một số thức ăn có công hiệu tu bổ như lê tươi, ngó sen tươi, mía, chuối tiêu, quả quýt, quả dứa, quả dưa hấu… nên dùng vào mùa thu. Mùa đông, cơ thể con người dễ bị các chứng bệnh do hàn gây nên. Để chống hàn lạnh, cơ thể người cần ăn nhiều các thức ăn nhiệt lượng tương đối cao và các thức ăn của các thức ăn có thể thúc đẩy máu lưu thông và những thức ăn có tính ôn nhiệt như thịt dê, thịt chó, thịt trâu, thịt bò, long nhãn, táo tàu, thịt gà…
Ngoài ra, sách còn cung cấp cho bạn đọc nhiều kiến thức hữu ích như: một số cách phòng, chống ung thư trong ăn uống thường ngày; sự tương ứng giữa màu sắc của rau, củ, quả và ngũ tạng; mỗi ngày cơ thể cần bao nhiêu protein; các loại vitamin quan trọng làm tăng vẻ đẹp dung nhan; mười mẫu người cần tăng cường bổ sung vitamin C; muốn làm cha cũng phải đề phòng thiếu nguyên tố vi lượng; cách đề phòng thiếu chất kẽm cho trẻ em,…
Bên cạnh thức ăn, sách cũng đề cập đến việc lựa chọn thức uống, từ đó giúp bạn đọc chọn lựa được thức uống phù hợp cho các thành viên gia đình trong thời hiện đại ngày nay và tránh những thức uống không tốt cho sức khỏe. Đọc sách, bạn đọc sẽ hiểu chi tiết hơn về vấn đề này.
Với độ dày 188 trang, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2020, quyển sách “Ăn uống và dinh dưỡng trong gia đình hiện đại” mang tính khoa học, tính phổ cập cao, cung cấp những kiến thức quan trọng về việc lựa chọn thức ăn phù hợp cho từng đối tượng thành viên trong gia đình, giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch, phòng chữa bệnh, sống lâu, là một tài liệu hữu ích cho tất cả mọi người.
Thư viện tỉnh Sóc Trăng xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Ăn uống và dinh dưỡng trong gia đình hiện đại/ Nguyễn Văn Đức, Ngô Quang Thái. - H. : Quân đội nhân dân, 2020. - 188 tr. ; 21 cm
Chỉ số phân loại: 613.2 / Ă 115 U
Kho đọc: VL.019675;
Kho mượn: PM.035521; PM.035522.
Tác giả: Thùy Dung