I. GIAI ĐOẠN TRƯỚC NĂM 1975: Trước năm 1975, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chưa có loại hình Thư viện công cộng. Ở trung tâm tỉnh chỉ có 01 phòng đọc sách với mức độ và phạm vi hoạt động hạn hẹp, phục vụ cho một số rất ít đối tượng là công chức của chế độ cũ. II. GIAI ĐOẠN TỪ 1975 - 1986: Sau ngày giải phóng, tỉnh Sóc Trăng được tiếp nhận hàng ngàn quyển sách của tỉnh Hà Bắc gửi tặng theo chương trình chi viện cho tỉnh kết nghĩa, đã tổ chức 01 phòng đọc sách đầu tiên, phục vụ nhu cầu đọc sách, báo cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thị xã, trụ sở phòng đọc sách đặt tại số 14 đường Trần Hưng Đạo, thị xã Sóc Trăng. Năm 1977, Thư viện thị xã Sóc Trăng cũng đã chính thức được thành lập, trực thuộc sự chỉ đạo của phòng VHTT thị xã và thuộc hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Hậu Giang cũ. Trụ sở Thư viện thị xã đặt tại số 10 đường Trần Hưng Đạo thị xã Sóc Trăng. Vốn sách ban đầu của Thư viện có khoảng 7.000 bản, được hình thành từ nguồn sách tặng của Thư viện tỉnh Hà Bắc và nguồn sách chi viện của Thư viện tỉnh Hậu Giang cũ. Đối với các huyện (khu vực Sóc Trăng) trong thời gian này chưa hình thành được Thư viện. Đến cuối năm 1979, Thư viện các huyện Mỹ Tú, Long Phú, Thạnh Trị đã lần lượt ra đời và tiếp đến những năm đầu của thập niên 80, Thư viện các huyện còn lại trong khu vực như Mỹ Xuyên, Kế Sách, Vĩnh Châu được tiếp tục thành lập và hoạt động với vốn sách báo ít ỏi. Đến năm 1986 tổng số sách của 07 Thư viện huyện, thị là 54.825 bản. Song song với vốn sách, các Thư viện huyện, thị cũng đã chú trọng bổ sung các loại báo, tạp chí phục vụ nhu cầu cập nhật thông tin của bạn đọc, số tên báo, tạp chí ở mỗi Thư viện có từ 10 đến 25 loại. Trong thời gian này, song song với hệ thống Thư viện huyện, thị, mạng lưới phòng đọc, tủ sách ở các xã, phường, hợp tác xã nông nghiệp, tập đoàn sản xuất… cũng đã phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê năm 1986 thì khu vực Sóc Trăng đã có 7/7 Thư viện huyện, thị, 23 phòng đọc sách xã, phường, hợp tác xã, 35 tủ sách tập đoàn sản xuất, cùng nhiều tổ đọc báo xóm, ấp. III. GIAI ĐOẠN 1986 – 1992: Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các Thư viện huyện, thị khu vực Sóc Trăng cũng hoạt động trong điều kiện kinh phí ít dần và nhỏ giọt, nên các Thư viện hoạt động mang tính cầm chừng, bế tắc, dẫn đến 01 số Thư viện bị tan rã như Thư viện huyện Kế Sách mất cơ sở vật chất, trụ sở được dùng cho hoạt động chiếu phim, Thư viện huyện Vĩnh Châu sách đưa vào kho đội thông tin lưu động, Thư viện huyện Mỹ Xuyên phải chuyển qua phòng VHTT, trả nhà cho nhân dân… còn mạng lưới phòng đọc cơ sở thì bế tắc thật sự, dẫn đến dần dần tan rã. IV.GIAI ĐOẠN 1992 – 9/2003: Năm 1992 tỉnh Sóc Trăng được tái lập, Thư viện thị xã lúc bấy giờ được nâng lên thành Thư viện của tỉnh, trụ sở được đặt tại số 14 đường Trần Hưng Đạo, thị xã Sóc Trăng. Bước đầu hoạt động của Thư viện tỉnh gặp rất nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất, đến kinh phí nhân sự… Trụ sở Thư viện là 01 căn nhà tròn, với diện tích chỉ hơn 200m2, vừa làm kho chứa sách, vừa là nơi tổ chức các hoạt động phục vụ bạn đọc. Vốn tài liệu ban đầu của Thư viện tỉnh gồm 02 nguồn: nguồn tài liệu của Thư viện thị xã và nguồn tài liệu của Thư viện tỉnh Hậu Giang chia về. Tổng vốn sách ban đầu: 43.000 bản sách, hầu hết đều đã cũ kỹ, lạc hậu và hư rách nhiều, số sách còn sử dụng được thật sự chỉ khoảng 30.000 bản. Về trang thiết bị chuyên môn: số bàn, ghế, tủ, kệ, đang sử dụng đa số đã quá lâu năm, cũ kỹ, hư hỏng nhiều do vậy hiệu quả sử dụng các trang thiết bị này rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Về đội ngũ cán bộ Thư viện: lúc đầu rất ít cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, do đó trong 01 thời gian dài Thư viện tỉnh phải cử nhiều cán bộ nhân viên theo học các lớp chuyên môn nghiệp vụ tại Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh… theo hình thức vừa học vừa làm, do đó tình trạng thiếu nhân sự trở nên trầm trọng hơn. Về tình hình mạng lưới Thư viện huyện, thị và cơ sở, khi tỉnh Sóc Trăng được tái lập năm 1992 thì trên toàn tỉnh có 4/7 Thư viện huyện, thị còn hoạt động, mạng lưới phòng đọc sách ở cơ sở thì hầu như tan rã hoàn toàn. Từ năm 1993 – 1995 tất cả 7/7 Thư viện huyện, thị trong tỉnh đã hoạt động trở lại. Năm 1994, Thư viện thiếu nhi Thị xã Sóc Trăng ra đời đã phục vụ rất hiệu quả nhu cầu đọc sách, báo của lực lượng thiếu nhi trong Thị xã. Tuy vậy, nhìn chung thư viện cấp huyện, thị chưa thoát ra khỏi thực trạng nhỏ bé về quy mô, nghèo nàn, thiếu thốn về tài liệu, trang thiết bị, yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ. Sau những khó khăn to lớn của những năm đầu tái lập tỉnh, bằng sự quyết tâm nỗ lực của ngành thư viện, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cộng với những điều kiện thuận lợi từ những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước như: Nghị Quyết Hội nghị Ban chấp hành TW lần thứ 9 (khoá VII) đã chỉ rõ "khôi phục và phát triển hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở….", Nghị Quyết TW 5 (khoá VII) "về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…" và đặc biệt là sự ra đời của pháp lệnh thư viện năm 2001… đã tạo nên những động lực to lớn, giúp hệ thống Thư viện công cộng dần được củng cố và ngày càng phát triển mạnh mẽ. V. GIAI ĐOẠN 10/2003 ĐẾN NAY: Được sự quan tâm của UBND tỉnh, công trình xây dựng trụ sở Thư viện tỉnh đã được khởi công xây dựng vào ngày 10/01/2001 và hoàn thành đưa vào sử dụng giữa tháng 10/2003. Điều này đã mở ra một bước ngoặt to lớn, thuận lợi cho ngành Thư viện tỉnh Sóc Trăng vươn lên phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Trong điều kiện ở trụ sở mới, với vốn tài liệu ban đầu trên 90.000 bản, Thư viện tỉnh luôn chú trọng công tác bổ sung sách mới bằng nhiều nguồn khác nhau: kinh phí ngân sách Nhà nước, nguồn sách biếu tặng của các đơn vị, nguồn sách bổ sung từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa,… Hàng năm, Thư viện đã bổ sung từ 7.000 - 10.000 bản sách, tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc đến Thư viện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác Thư viện cũng được Thư viện tỉnh tập trung chú trọng như xây dựng hệ thống mạng nội bộ, nối mạng Internet, xây dựng cơ sở dữ liệu sách của tất cả các kho,… Đặc biệt là việc thành lập phòng đọc điện tử với gần 20 máy tính, đầu tư trang thiết bị, phần mềm học ngoại ngữ, vi tính…nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập ngày càng cao của bạn đọc. Với nhiều phương pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động, tổ chức các phòng đọc sách theo hướng kho mở, tự chọn, những năm qua Thư viện tỉnh đã thu hút ngày càng đông đảo bạn đọc đến Thư viện. Đối với mạng lưới Thư viện huyện, thành phố và cơ sở hiện đã có 11/11 thư viện huyện, thị, thành phố hoạt động ổn định, trong đó có 1 số thư viện đã được đầu tư xây dựng mới khang trang như Thư viện huyện Kế Sách, Thư viện thị xã Vĩnh Châu, Thư viện huyện Long Phú… Đặc biệt là Thư viện huyện Thạnh Trị đã được đầu tư xây dựng mới với vốn kinh phí hơn 900 triệu đồng. Cùng với việc được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ Thư viện cũng ngày càng được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, phần lớn cán bộ thư viện huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân địa phương. Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí, song những năm gần đây các thư viện huyện cũng được cấp kinh phí mua sách, báo, nhằm nâng cao vốn sách tại Thư viện và tổ chức luân chuyển phục vụ cho cơ sở (bình quân hàng năm mỗi Thư viện tự bổ sung được từ 500 đến 1.500 bản sách các loại). Ngoài ra các Thư viện huyện còn nhận được nhiều đợt sách từ chương trình tài trợ của Bộ VHTTDL, Vụ Thư viện… Song song với hệ thống Thư viện huyện, mạng lưới Thư viện phòng đọc ở cơ sở cũng đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh. Thực hiện phương châm xã hội hóa, đa dạng hóa công tác Thư viện ở cơ sở, những năm qua Thư viện tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều kế hoạch phối hợp phòng VHTT các huyện, thành phố, liên tịch với các ngành Giáo dục, Tư pháp, Bưu điện, Bộ Đội Biên Phòng, Ban dân tộc tỉnh, Hội sư sãi yêu nước, để tổ chức phong trào đọc sách ở cơ sở. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được gần 200 thư viện, phòng đọc sách cơ sở trọng điểm, gồm nhiều mô hình hoạt động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, từng khu dân cư trong tỉnh như: + Thư viện xã + Phòng đọc sách chùa Khmer. + Phòng đọc sách xã phường. + Tủ sách khóm, ấp. + Tủ sách Đồn biên phòng. + Tủ sách câu lạc bộ. + Kết hợp Thư viện trường học…