Ô nhiễm văn hóa cũng được rung chuông báo động đỏ, ở lứa tuổi vị thành niên và lứa tuổi thanh niên phạm pháp ngày càng tăng và ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong những nguyên nhân gây nên tệ nạn này, thì nguyên nhân do ô nhiễm văn hóa độc hại là thấy rõ nhất, muốn giải quyết được vấn đề, cần tìm hiểu về thanh thiếu niên nhiều hơn. Thời đại ngày nay, lứa tuổi thanh thiếu niên có những đặc trưng tâm, sinh lý khác trước, do cuộc sống ngày càng được cải thiện, sự phát triển của tuổi trẻ nhanh hơn. Ngày xưa, Ông, bà ta đút ra kinh nghiệm : “ Nữ thập tam, nam thập lục” (gái 13, trai 16) là nói đến sự bắt đầu của chu kỳ sinh lý. Bây giờ ở lứa tuổi này, nhiều em đã có sự ham muốn tình dục đầy đủ. Thanh thiếu niên ngày nay, mong bản thân được độc lập sớm. Trước đây, thanh niên tuổi 18 còn nhiều lệ thuộc vào gia đình, bố mẹ nói, con lắng nghe. Bây giờ, lớp trẻ được tiếp xúc rộng rãi với xã hội, nên việc con cái nghe lời cha mẹ giảm đi, chúng có sự suy nghĩ riêng, và nhiều khi thích sống riêng khỏi cha mẹ, do đó cha mẹ nắm được hành vi của con cái là rất khó. Ý thức sớm độc lập của con có mặt tốt, nhưng nhiều khi do suy nghĩ chưa chín chắn mà bỏ nhà ra đi, theo bạn bè xấu rủ rê, trở thành kẻ phạm tội với xã hội.
Tổ chức trò chơi dân gian để thu hút thanh thiếu niên tham gia
Ông Bùi Duyên Hồng – Chủ tịch Hội khuyến học huyện Long Phú nhận xét : “ Trước đây, khái niệm giáo dục con cái thường đi theo một công thức : Gia đình cộng xã hội cộng nhà trường. Công thức này về cơ bản vẫn cần thiết, nhưng nội dung đã có sự khác biệt. Nhà trường trước đây quản lý học sinh gần như toàn diện, nhưng bây giờ sau giờ học, học sinh làm gì nhà trường không nắm được. Học sinh trước đây hết giờ học là về nhà, bây giờ ngoài giờ học ra, các em còn đi học thêm, đi chơi gì và với ai … cha, mẹ khó lòng nắm vững, nhất là khi bố mẹ bận rộn làm ăn, công việc suốt ngày, không quản lý được con. Con được tiếp xúc sớm với những kiến thức khoa học, trò chơi hiện đại như : Sử dụng máy vi tính, internet, trò chơi điện tử, lập trang web, Blog, Facebook …có nhiều bậc cha mẹ không đủ trình độ, kiến thức về lĩnh vực này, thấy con suốt ngày ngồi bên máy vi tính là mừng, nhưng, có biết đâu nhiều khi chúng tiêu khiển những trò văn hóa độc hại mà không biết.”
Về mặt xã hội, trước đây thường dùng các đoàn thể để răn đe, hoặc khuyến khích các em, bây giờ vẫn có đoàn, có đội, có Hội phụ nữ, người cao tuổi tham gia giáo dục các cháu, nhưng hiệu quả không nhiều, việc ngăn chặn văn hóa độc hại các đoàn thể khó làm, theo không kịp, trong khi đó việc quản lý văn hóa do các ngành văn hóa, truyền thông làm lại không theo kịp tình hình, có nơi buông lỏng, nên sự xâm nhập văn hóa “Bẩn” vào lớp trẻ mặt sức tung hoành … Tất cả những sự kiện ấy lâu ngày tích hợp lại, dần dần gây ô nhiễm văn hóa nghiêm trọng trong lớp trẻ. Muốn đây lùi ô nhiễm văn hóa cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều giới.
Thường xuyên tuyên truyền và tổ chức trò chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên
Cô Trần Mạnh Thùy Trang – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Phú chia sẻ : “ Đầu tiên cần trang bị kiến thức mới cho cha mẹ, để các bậc phụ huynh nắm được nội dung các vấn đề như trò chơi điện tử, game online, sử dụng internet chát …. Biết được cái nào cần phát huy, cái nào cần tránh. Con ngồi trước máy vi tính “lướt nét”, “ nháy chuột” trong chốc lát bao hình ảnh hiện ra mà có khi bố mẹ chẳng biết gì. Việc bồi dưỡng kiến thức này nên soạn thành chương trình đơn giản, nói ở các câu lạc bộ, hoặc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, nhà trường và các cơ quan đoàn thể tổ chức nhiều trò chơi vui, bổ ích và lành mạnh như thể dục thể thao, ca hát, picnic, tham gia các phong trào tình nguyện và thu hút lớp trẻ thích thú nghiên cứu khoa học, lập thân, lập nghiệp, mà quên đi những hoạt động sa đọa, tình dục xấu xa, đặc biệt, nhà trường phấn đấu để không có học sinh bỏ học, trốn học, nếu bỏ học do nghèo phải giúp đỡ để các em được đến trường, nếu bỏ học, trốn học đi đến các điểm internet phải phối hợp với gia đình và tìm cách ngăn chặn.”
Những văn hóa phẩm độc hại thường từ bên ngoài nhập vào theo con đường lậu, bất hợp pháp, từ trong nước phát ra cũng có, nhưng ít hơn, cần bồi dưỡng cho cán bộ quản lý văn hóa, thông tin, truyền thông và công an bảo vệ văn hóa có đủ năng lực và đạo đức để quản lý chặt nội dung hoạt động văn hóa. Từ việc cho mở vũ trường, quán Karaoke, điểm internet, nội dung biểu diễn, đến việc tiêu hủy những văn hóa phẩm độc hại được quản lý theo quy chế, kiểm tra chặt chẽ, không nương nhẹ, hoặc buông lỏng.
Ngày nay, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để ngăn cản, cấm đoán lớp trẻ để tiếp cận với những vấn đề mới có xu hướng lạ đang phổ biến trên thế giới. Truyền bá văn hóa nghệ thuật trên internet đang phát triển hơn bao giờ hết, hướng dẫn cái đúng, gạt bỏ cái sai hết sức khó khăn và phức tạp. Nhưng để tệ nạn văn hóa độc hại xâm nhập lớp trẻ là nổi đau và nổi lo của mỗi gia đình và xã hội. Rất mong được mọi người chung tay góp sức đẩy lùi ô nhiễm văn hóa độc hại trong thanh thiếu niên và trang bị cho lớp trẻ sự hiểu biết cần thiết, đủ sức đề kháng với các loại văn hóa độc hại.
Sóc Ca